Đã có công cụ - Phần mềm Hướng nghiệp |
Sai một ly... Trong nhà trường, việc hướng nghiệp đã và đang ít được coi trọng, trong hướng nghiệp thì việc giúp bạn trẻ tìm hiểu về chính bản thân mình càng bị coi nhẹ. Các cuộc tư vấn tuyển sinh ngắn ngủi do các báo phối hợp với các trường đại học (ĐH) tổ chức hằng năm vào học kỳ 2 quy tụ hàng ngàn học sinh đã không thể nào giải đáp được hết thắc mắc của người tham dự, mà mỗi người thì có hàng chục câu hỏi cần được giải đáp. Các cuộc tư vấn “mặt đối mặt” giữa học sinh với chuyên gia hướng nghiệp càng hiếm vì quá ít chuyên gia, hơn nữa các trung tâm tư vấn chỉ có ở các TP lớn, người đến tư vấn phải đóng phí mới được tư vấn. Hậu quả là nhiều bạn trẻ ghi nguyện vọng theo “cảm tính”, theo tư vấn của bạn bè hoặc theo nguyện vọng của... cha mẹ để rồi phải ân hận, nuối tiếc nhiều năm, có khi là cả đời.
... Đi một dặm Nhiều trường hợp học sinh khá và giỏi mà phải đi lòng vòng mất nhiều năm tháng quý báu của tuổi trẻ vì đã chọn lầm nghề do không hiểu về chính bản thân mình hay về nghề định chọn. Có nam sinh viên thi đậu vào ĐH Hàng hải, được cử ra nước ngoài đào tạo thành thuyền trưởng tàu viễn dương, học cũng giỏi nhưng sau một chuyến thực tập bơi biển đã vội vàng viết đơn xin chuyển trường để học nghề bảo hiểm; nay em này đang là một chuyên viên quan trọng ở một công ty bảo hiểm lớn của nước ngoài tại TP. Có người bỏ dở 3 năm học hành tại khoa công nghệ thông tin của một trường ĐH để chuyển qua thi vào khoa kinh doanh của một trường khác. Có người trầy trật nhiều năm mới thi đậu vào ĐH Y Dược nhưng chỉ sau một đêm gác xác đã phải từ giã mộng thành bác sĩ để chọn cho mình một nghề ít “ghê” hơn... Những bạn trẻ này giá như hiểu mình, hiểu nghề hơn thì chắc chắn sẽ sớm thành đạt, đỡ mất thời gian quý báu của tuổi giàu sinh lực và sáng tạo nhất cho việc học cái nghề mình không thích hoặc không mấy phù hợp với mình mà cũng làm giảm sự lãng phí lớn cho xã hội. Theo một thống kê của Viện Nghiên cứu Xã hội TPHCM, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành đã học chỉ ở mức 30% - 50%.
Đã có công cụ - phần mềm hướng nghiệp hiệu quả Để không phải hối tiếc vì sự lựa chọn của mình trước khi cầm viết ghi nguyện vọng thi, các em học sinh cần chọn nghề trước khi chọn trường và cân nhắc một số yếu tố theo thứ tự sau:
+ Bản thân: Đam mê, yêu thích nghề gì?, có năng lực sở trường về lĩnh vực nào?
+ Yêu cầu của nghề: Thần kinh khí chất có phù hợp không, năng lực yêu cầu của nghề có đáp ứng được không, sức khoẻ có đảm bảo để theo nghề này không, nghề có chống chỉ định gì không, nghề có phù hợp với giới tính của mình không.
+ Xã hội: Nghề này ra trường dễ kiếm việc không, lương cao không, tương lai có phát triển không, cơ hội thăng tiến thế nào, có được xã hội coi trọng không, nghề này làm ở quê hay ở thành phố.
+ Gia đình: Có phù hợp với truyền thống gia đình không, Bố mẹ có đồng ý không, gia đình có hỗ trợ không (về tài chính, tìm việc), Lời khuyên của những người khác (cô giáo, bạn bè) thì thế nào.
+ Cấp học và trường đào tạo: Khả năng học tập có thể theo cấp học nào (Đại học/Cao đẳng/Trung cấp), Thời gian học (3 năm, 4 năm hay 5, 7 năm), Trường có yêu cầu đặc biệt gì khác không (về ngoại hình,..), Khả năng tài chính của gia đình cho phép không, Địa điểm học có thuận lợi không (gần nhà hay ở tỉnh khác xa nhà), Trường học có tiếng hay truyền thống tốt không, có cơ sở vật chất tốt hay không.
Nhằm tạo thêm thuận lợi cho học sinh định hướng nghề nghiệp một cách khoa học hiệu quả và chọn trường - ngành thi phù hợp với khả năng của từng học sinh, Bộ Giáo dục đào tạo đã cho phép ứng dụng phần mềm “Hỗ trợ tư vấn hướng học” và “Hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp” thông qua Dự án Trung học phổ thông và đã được sử dụng hiệu quả tại nhiều trường học trong toàn quốc từ năm 2002. Chi tiết xin xem thêm Giới thiệu phần mềm. |
Tiếp > |
---|